Nói chung, các bệnh nhân ung thư có 3 thời kỳ: (1) điều trị tích cực và hồi phục sau điều trị, (2) sống sau hồi phục, bao gồm không bệnh và bệnh ổn định, (3) bệnh tiến triển và cuối đời. Mỗi thời kỳ có nhu cầu và đòi hỏi khác nhau về dinh dưỡng và hoạt động thể chất. Nhu cầu dinh dưỡng thay đổi theo quá trình diễn biến của bệnh nhân ung thư. Chọn lựa lối sống có tầm quan trọng đặc biệt giúp cho thành công trong điều trị toàn diện và tìm kiếm phương cách cho bệnh nhân tự chăm sóc để cải thiện kết quả về lâu dài.
Thời kỳ điều trị tích cực và hồi phục sau điều trị
1. Dinh dưỡng trong thời kỳ điều trị ung thư và hồi phục
Khi ở giai đoạn trễ, bệnh nhân thường đã bị sụt cân và suy kiệt. Ngoài ra, khi điều trị ung thư, nôn ói cũng gây sụt cân thêm. Do đặc điểm này, ung thư được xem như là bệnh đi kèm với sụt cân hơn là béo phì. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm và điều trị hiệu quả hơn. Do đó, có tăng số lượng bệnh nhân ung thư dư cân hoặc béo phì, tăng cân thêm là một biến chứng có thể có của điều trị.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng với người bệnh ung thư
Cân nặng thay đổi không những chịu ảnh hưởng nhiều vào loại ung thư và giai đoạn lúc chẩn đoán, mà còn do những thay đổi đáng kể về chuyển hóa và sinh lý, làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng và vi chất. Các triệu chứng như chán ăn, ăn mau no, những thay đổi mùi vị, rối loạn tiêu hóa do ung thư gây ra hoặc do tác dụng phụ của điều trị dẫn đến ăn uống không đủ và suy dinh dưỡng. Sụt cân đáng kể và dinh dưỡng kém có thể xảy ra sớm trong quá trình diễn tiến ở một số loại ung thư. Do đó, cung cấp đủ năng lượng để ngừa sụt cân thêm là hết sức cần thiết cho những bệnh nhân suy dinh dưỡng và cho những bệnh nhân mà điều trị gây ảnh hưởng lên đường tiêu hóa.
Đưa ra những lời khuyên dinh dưỡng theo từng cá nhân có thể cải thiện chế độ ăn uống và giảm đi một số độc tính do điều trị ung thư gây ra
Các mô thức chính trong điều trị ung thư như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị đều ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu dinh dưỡng, thay đổi thói quen ăn uống, gây cản trở tiêu hóa, hấp thu và sử dụng thực phẩm. Đánh giá dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư nên bắt đầu sớm ngay sau chẩn đoán và đánh giá cùng với các mục đích điều trị (chữa lành, kiểm soát hay giảm nhẹ), tập trung vào tình trạng dinh dưỡng hiện tại và các triệu chứng liên quan đến dinh dưỡng.
Trong lúc điều trị ung thư, mục đích chăm sóc dinh dưỡng nên ngừa hoặc giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, duy trì cân nặng thích hợp, bảo tồn khối lượng cơ thể không tính mỡ, giảm thiểu tác dụng phụ ảnh hưởng đến dinh dưỡng và tăng tối đa chất lượng sống. Các nghiên cứu xác định nếu có tư vấn dinh dưỡng trong điều trị ung thư sẽ cải thiện được kết quả điều trị cũng như tác dụng phụ ít hơn, cải thiện chất lượng sống và chế độ ăn. Nên tư vấn chuyên gia dinh dưỡng ung thư.
Đưa ra những lời khuyên dinh dưỡng theo từng cá nhân có thể cải thiện chế độ ăn uống và giảm đi một số độc tính do điều trị ung thư gây ra. Tùy theo tình trạng bệnh nhân mà có những lời khuyên dinh dưỡng theo từng cá nhân như sau:
- Đối với những bệnh nhân chán ăn, ăn mau no, có nguy cơ sụt cân: ăn mỗi bữa lượng nhỏ, uống ít nước hay ít canh giúp tăng hấp thu thức ăn. Giữa các bữa ăn nên uống nhiều nước để bù lại tránh mất nước.
- Đối với những bệnh nhân không đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng qua thực phẩm hằng ngày, cần được tăng cường bằng thức uống hoặc thức ăn giàu dinh dưỡng chế biến sẵn trên thị trường hoặc tại nhà, có thể cải thiện nhu cầu cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng.
- Đối với những bệnh nhân không đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng bằng các biện pháp trên và có nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh nhân cần các biện pháp hỗ trợ dinh dưỡng khác như thuốc kích thích thèm ăn, nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa bằng ống thông hoặc nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.
Sử dụng vitamin, chất khoáng và thực phẩm bổ sung trong điều trị ung thư vẫn còn tranh cãi. Chẳng hạn như, khi dùng thực phẩm bổ sung chứa folate hoặc thực phẩm tăng cường giàu folate có thể gây trở ngại cho bệnh nhân được hóa trị bằng kháng folate, như methotrexate. Nhiều thực phẩm bổ sung chứa các chất có nồng độ cao quá mức so với bình thường có trong thức ăn và quá mức nhu cầu được đề nghị.Với những bằng chứng bất lợi ngay cả khi dùng thực phẩm bổ sung lượng vừa ở bệnh nhân ung thư, nên nhiều chuyên gia ung thư liên tục đưa ra lời khuyên chống lại việc sử dụng thực phẩm bổ sung trong và sau điều trị, và đề nghị hạn chế sử dụng trong những trường hợp suy yếu cơ thể hoặc tăng cường sức khỏe. Lo ngại này do, về mặt lý thuyết, một số nhóm thực phẩm bổ sung với những chất chống oxy hóa, ngăn cản tác dụng tổn thương tế bào ung thư do oxy hóa của xạ trị hay hóa trị. Ngược lại, một số bác sĩ lâm sàng nhận thấy khả năng gây hại do các chất chống oxy hóa chỉ là giả thuyết nhưng có lợi là giúp bảo vệ tế bào bình thường khỏi bị tổn thương thêm do điều trị ung thư.
Với bằng chứng thuyết phục chống lại việc sử dụng thực phẩm bổ sung có chọn lọc ở một số bệnh nhân ung thư, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân có nhu cầu sử dụng hãy thận trọng. Nếu có ích lợi khi bổ sung, mỗi cá nhân đầu tiên nên đánh giá có thiếu dinh dưỡng không, tránh sử dụng quá mức 100% giá trị nhu cầu hằng ngày, và cân nhắc hạn chế sử dụng thực phẩm bổ sung trong điều trị hỗ trợ cho các bệnh lý mạn tính như loãng xương và một số bệnh lý khác.
2. Rèn luyện thể chất trong lúc điều trị ung thư
Trong lúc điều trị ung thư, rèn luyện thể chất vẫn an toàn và dễ dàng giúp cải thiện chức năng các cơ quan trong cơ thể, giảm mệt mỏi và cải thiện chất lượng sống. Có một nghiên cứu cho thấy rèn luyện thể chất không ngăn cản đáp ứng hóa trị.
Quyết định khi nào bắt đầu và duy trì như thế nào tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và ưa thích của từng cá nhân. Rèn luyện thể chất trong lúc điều trị ung thư cải thiện nhiều tác dụng phụ sau điều trị lên xương và sức cơ.
Những bệnh nhân hóa trị và hoặc xạ trị đã có chương trình luyện tập rồi thì cần luyện tập ở cường độ thấp và ngắn trong lúc điều trị, mục đích chính là duy trì hoạt động thể chất càng nhiều càng tốt. Một số bác sĩ lâm sàng khuyên, đợi hết thời gian kéo dài tác dụng phụ hóa trị hãy bắt đầu luyện tập.
Đối với những bệnh nhân ít đi lại trước khi bị ung thư, hoạt động cường độ thấp như co duỗi tại chỗ, đi bộ chậm và chậm nhanh dần.
Đối với bệnh nhân di căn xương hoặc loãng xương, hay bị suy yếu như viêm khớp hoặc bệnh thần kinh ngoại biên, nên thận trọng giữ thăng bằng và an toàn, tránh té ngã và chấn thương. Cần các chuyên gia hỗ trợ trong các buổi tập.
Nếu bệnh hoặc điều trị cần thời gian nghỉ ngơi tại giường, suy yếu, giảm sức cơ và teo cơ có thể xảy ra. Vật lý trị liệu giúp duy trì sức cơ, ngừa giới hạn cử động, xóa tan mệt mỏi và trầm cảm.
3. Thời kỳ hồi phục sau điều trị
Sau khi kết thúc điều trị ung thư, tiếp theo là thời kỳ hồi phục. Trong thời kỳ này, các triệu chứng và các tác dụng phụ ảnh hưởng đến dinh dưỡng và hoạt động thể chất bắt đầu được giải quyết. Đa số các tác bệnh nhân bị tác dụng phụ cấp tính sẽ hồi phục trong vài tuần hoặc vài tháng sau kết thúc điều trị, một số trường hợp kéo dài lâu hơn. Ngoài ra, các tác dụng phụ muộn hoặc tiềm ẩn có thể xuất hiện sau nhiều tháng hoặc nhiều năm sau điều trị. Tác dụng phụ kéo dài hoặc biến chứng do điều trị liên quan đến tình trạng dinh dưỡng là mệt mỏi, bệnh thần kinh ngoại biên, thay đổi vị giác, khó nhai, khó nuốt hoặc khó hồi phục cân nặng cơ thể, thay đổi thói quen ruột như tiêu chảy hoặc táo bón.
Bệnh nhân cần được tiếp tục đánh giá và hướng dẫn về dinh dưỡng trong thời kỳ này. Đối với những bệnh nhân xuất hiện sụt cân do điều trị hoặc có những trở ngại về tình trạng dinh dưỡng thì tiếp tục chăm sóc nâng đỡ, điều trị giảm triệu chứng và kích thích thèm ăn, giúp cho quá trình hồi phục. Sau điều trị, chương trình rèn luyện thể chất đều đặn là cần thiết để hỗ trợ cho quá trình hồi phục và cải thiện thể lực.
(Còn tiếp)
BS.CKII. NGUYỄN HỮU HÒA
(Theo Hội ung thư Mỹ (American)