Nên ăn bữa sáng như thế nào cho khỏe?

Nguyễn Thị Hiên(Hà Nam)

Rất nhiều người sai lầm là không coi trọng, thậm chí bỏ bữa sáng. Họ đưa ra nhiều lý lẽ như: bận quá, không thích ăn sáng, sợ béo, không đói…Theo quan điểm khoa học về dinh dưỡng thì bữa sáng thật sự là bữa ăn quan trọng. Theo Hội Tiết thực Hoa Kỳ thì bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày; bữa điểm tâm không những mang lại năng lượng cần thiết để lao động, học tập mà còn giúp cơ thể kiểm soát duy trì trọng lượng, thậm chí giảm cân vì nó sẽ làm giảm cảm giác đói và thèm ăn bù ở các bữa sau đó.

Nên ăn bữa sáng như thế nào cho khỏe?

Về chất lượng, bữa điểm tâm phải đủ 4 thành phần dinh dưỡng là đạm, đường, béo, chất khoáng và vitamin. Các món ăn sáng quen thuộc của người Việt ta là: cơm ăn với thức ăn, xôi, bún, phở, mì, bánh mỳ, trứng, sữa... đều đảm bảo đủ 4 loại chất dinh dưỡng này. Bạn có thể chọn món ăn hợp với khẩu vị của con bạn và lưu ý luôn thay đổi món ăn hàng ngày để cháu ăn ngon miệng.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý: không dùng nhiều thức ăn ngọt cho bữa sáng vì nó tiêu hóa quá nhanh làm tăng đường máu, nhưng lại không ổn định, hậu quả là cơ thể sẽ thiếu năng lượng sau bữa ăn 2-3 giờ; đảm bảo đủ chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa) và chất xơ trong bữa sáng vì chính chất đạm và xơ sẽ tạo cảm giác no lâu cho đến bữa ăn trưa. Về năng lượng: bữa sáng và bữa chiều nên đảm bảo 1/3 tổng năng lượng, bữa trưa và bữa tối 1/6 năng lượng trong 1 ngày.

BS. Nguyễn Minh Hạnh

Các loại thực phẩm đồng hành với sự phát triển của trẻ

Các loại thực phẩm này chứa nhiều chất béo, các chất phụ gia làm ngọt và muối, ít hoặc không có chất dinh dưỡng. Chính vì vậy, cha mẹ phải định hướng cho trẻ đang trong giai đoạn phát triển và áp dụng thói quen ăn uống lành. Dưới đây là một số các loại thực phẩm tốt cho sự phát triển của trẻ:

1. Bột yến mạch

Bột yến mạch là món ăn tốt nhất cho trẻ để khởi đầu ngày mới tràn đầy năng lượng và chất dinh dưỡng. Một bát bột yến mạch vào buổi sáng cung cấp chất xơ cần thiết, duy trì lượng cholesterol thấp và giảm thiểu các bệnh tim mạch. Trẻ sẽ nhận thấy rất nhiều lợi ích khi hình thành thói quen ăn bột yến mạch vào buổi sáng. Trẻ có thể trộn với sữa và hoa quả hoặc các loại hạt, có thể thêm các loại thực phẩm khác để món ăn thêm sáng tạo và hấp dẫn.

2. Váng đậu

Váng đậu được làm từ hạt đậu nành chứa nhiều protein và còn được gọi là thực phẩm ‘phát triển cơ thể’ cho trẻ em vì nó giúp phát triển cơ. Váng đậu chứa canxi, chất bột và sắt để nuôi cơ thể, giúp răng chắc khỏe, cung cấp ôxi và miễn dịch cơ thể. Váng đậu rất thích hợp cho món salad và món súp.

3. Các loại đậu

Một bữa ăn đơn giản bao gồm các loại đậu và gạo hoặc các loại đậu và bánh mì sẽ cung cấp toàn bộ lượng protein cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Các loại đậu chứa chất xơ và ngăn ngừa các bệnh tim mạch và táo bón giúp hạn chế các bệnh về tiêu hóa. Các loại đậu rất tiện dụng vì sẵn có quanh năm với các loại đậu màu nâu, xanh hoặc màu cam, có thể dùng một loại hoặc trộn các loại và phần lớn các loại đậu đều rất tốt cho sức khỏe.

4. Trứng

Cả lòng trắng và lòng đỏ trứng đều chứa các axít amin, protein, vitamin A, D, E, canxi và choline rất cần thiết cho một bộ não khỏe mạnh. Lòng trắng trứng không chứa chất béo. Bạn có thể chế biến trứng bằng nhiều cách: trần, luộc chín, rán, ốp lết hoặc kết hợp với các thực phẩm khác.

5. Sữa

Sữa được cho là loại thực phẩm phù hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ đang phát triển. Sữa chứa canxi, phốt pho, magiê, kẽm, vitamin A, D và B12. Sữa là loại thực phẩm lý tưởng giúp răng trắng và xương khỏe.

6. Rau bina

Những lá rau bina màu xanh đậm chứa nhiều sắt, magiê, vitamin B6, E và các chất chống ôxy hóa cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Rau bina có thể trộn với dầu ô liu và kết hợp với một số loại rau khác để làm sa-lát.

7. Nho khô

Nho khô chứa canxi và phốt pho giúp hình thành xương của trẻ đang phát triển. Nho khô chống thiếu máu và có đặc tính chống ung thư, đồng thời giúp răng và trái tim khỏe mạnh. Bạn có thể dùng nho khô thay thế đường trắng và các chất làm ngọt khác.

8. Quả óc chó

Quả óc chó được cho là rất tốt cho sự phát triển não bộ của trẻ vì nó chứa axít béo omega-3. Quả óc chó cũng chứa vitamin B rất tốt cho sự hình thành các tế bào hồng cầu và magiê giúp cơ và trái tim khỏe. Bạn nên bổ sung quả óc cho vào các món tráng miệng, bánh nướng xốp và các loại bánh ngọt hoặc đơn giản là ngâm qua đêm và ăn vào buổi sáng sẽ đạt hiệu quả tốt nhất.

9. Gạo lứt

Gạo lứt đóng một vai trò thiết yếu đối với chế độ dinh dưỡng của trẻ đang phát triển. Nó chứa nhiều chất xơ và ít calo nên đáp ứng được cả hai mục đích: dồi dào năng lượng và cơ thể khỏe mạnh. Gạo lứt chứa nhiều chất chống ôxy hóa làm tăng miễn dịch, giảm cholesterol, điều này giúp giảm thiểu nguy cơ hen suyễn và các bệnh tim mạch. Gạo lứt là một bí quyết giúp thanh thiếu niên duy trì vóc dáng cân đối và khỏe mạnh.

10. Sữa chua

Sữa chua chứa nhiều vi khuẩn tốt và thân thiện với trẻ. Giống với sữa, sữa chua chứa canxi, phốt pho và protein giúp răng và cơ thể khỏe mạnh. Các chất vi sinh có trong sữa chua giúp hoạt động của đường ruột dễ dàng hơn. Bạn có thể ăn sữa chua thường hoặc trộn với trái cây như dâu tây (có chứa vitamin C) hoặc xoài nếu bạn thích ăn ngọt.

11. Súp lơ

Súp lơ chứa nhiều vitamin, khoáng chất, canxi, kali và carotenoid để có thị lực tốt. Súp lơ cũng rất có lợi cho trẻ đang phát triển vì nó ít calo, giàu năng lượng và có thể tái tạo sự tổn thương tế bào. Bạn có thể kèm súp lơ vào các món sa-lát, kẹp trong bánh mỳ hoặc các món nướng và món súp.

BS. Tuyết Mai

(Theo Magforwomen)

Lý do bạn nên dùng dầu ôliu

dầu oliu

Bạn có thể dùng dầu ôliu để nấu các loại rau hoặc làm salad. Tuy nhiên, chỉ nên ăn dầu ôliu ở mức vừa phải để mang lại hiệu quả tốt nhất. Dưới đây là một số lý do tại sao bạn nên dùng dầu ôliu:

Tăng cường chuyển hóa: Dầu ôliu giàu vitamin E, giúp tăng cường trao đổi chất, rất tốt cho não và xương.

Ngăn ngừa tăng huyết áp: Dầu ôliu chứa các chất béo không bão hòa. Thực phẩm nấu với dầu ôliu giúp ngăn ngừa tăng huyết áp.

Tốt cho tim: Dầu ôliu chứa acid oleic và acid linoleic, giúp giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể, ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim.

Tốt cho não bộ: Dầu ôliu chứa các acid béo không báo hòa có lợi cho sức khỏe, hỗ trợ quá trình phát triển não bộ ở trẻ nhỏ và người lớn. Ngoài ra, dầu ôliu chứa hợp chất oleocanthal, giúp ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến não bộ như bệnh Alzheimer.

Hỗ trợ giảm cân: Không giống như những loại dầu khác, dầu ôliu chứa các chất béo không bão hòa đơn. Một số nghiên cứu cho thấy thực phẩm chứa các chất béo không bão hòa đơn hỗ trợ giảm cân hiệu quả.

Tốt cho tiêu hóa: Dầu ôliu chứa các chất béo có lợi cho sức khỏe, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón.

Giàu các hợp chất chống viêm: Dầu ôliu được biết đến với đặc tính chống viêm hiệu quả. Ăn dầu ôliu thường xuyên ở mức vừa phải giúp ngăn ngừa viêm.

Chống ung thư: Một vài nghiên cứu cho biết dầu ôliu bảo vệ cơ thể khỏi một số loại ung thư như ung thư vú.

BS.Tuyết Mai

(Theo Boldsky)

Lý do nên uống nước trước khi uống trà hoặc cà phê

Trong khi nhiều người ý thức được rằng uống trà hoặc cà phê trước khi đi ngủ là một thói quen xấu hay uống trà hoặc cà phê khi đói bụng có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, rất ít người biết rằng bạn nên uống một cốc nước trước khi uống trà hoặc cà phê. Cho dù là vào buổi sáng hoặc buổi tối, trước khi uống trà hoặc cà phê, hãy đảm bảo uống một ít nước trước.

Lý do là vì uống nước trước khi uống trà hoặc cà phê sẽ làm giảm hàm lượng axit trong dạ dày. Trà có độ pH khoảng 6 (có tính axit) và cà phê có độ pH là 5 (cũng nằm trong khoảng axit). Vì vậy, khi bạn uống trà hoặc cà phê, dù là vào buổi sáng hay buổi tối, chúng đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loét cấp tính và ung thư.

Nếu bạn uống nước trước khi uống trà hoặc cà phê, nước không chỉ làm loãng mức axit trong dạ dày mà còn giảm thiểu tổn thương lên dạ dày và sức khỏe chung. Nước cũng làm giảm ảnh hưởng của trà lên răng do chứa hàm lượng axit cao. Uống nước còn giúp giữ cho cơ thể tránh mất nước và hỗ trợ loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể.

Nhiều người có thói quen uống trà hoặc cà phê cùng hoặc sau bữa ăn. Hãy thay đổi thói quen này vì những lý do trên.

BS Thu Vân

(Theo THS)

Sau phẫu thuật nên ăn uống thế nào?

Câu trả lời có trong bài viếtsau đây.

Ăn nhiều chất đạm, đủ chất béo

Để nhanh lành vết mổ, điều quan trọng là bệnh nhân phải ăn uống đầy đủ chất đạm (protein). Chất đạm tốt có nhiều trong các loại thịt nạc như thịt gà, thịt lợn, thịt bò, trứng gà vịt, chim cút. Hải sản bao gồm cá, tôm, cua... là một nguồn tuyệt vời cung cấp chất đạm tốt và dễ tiêu. Nếu bệnh nhân không ăn thịt hoặc không thích thịt, phải dùng protein có nguồn gốc thực vật như đậu phụ, các loại đậu, nhất là đậu nành. Các sản phẩm từ sữa là một nguồn protein tốt nhưng chúng có thể gây táo bón nên chỉ cho bệnh nhân sử dụng ở mức độ vừa phải. Một số nghiên cứu cho biết: các sản phẩm từ sữa có thể làm tăng tiết dịch trong phổi, vì vậy, nếu bệnh nhân bị ho, nên hạn chế dùng các sản phẩm từ sữa. Nếu bệnh nhân sử dụng các sản phẩm từ sữa mà không bị táo bón, nên dùng các sản phẩm có hàm lượng chất béo thấp như sữa lấy hết chất béo, sữa chua, phô mai.

Hải sản là nguồn cung cấp chất đạm tốt cho bệnh nhân sau phẫu thuật

Hải sản là nguồn cung cấp chất đạm tốt cho bệnh nhân sau phẫu thuật

Trường hợp bệnh nhân đang gặp khó khăn trong việc ăn uống, phải xem xét bổ sung chất đạm bằng truyền đạm, uống viên thuốc đạm.

Chất béo: chỉ nên ăn dầu thực vật bằng cách dùng chúng chế biến món ăn. Các chất béo trong cá hay thủy hải sản là chất béo tốt mà bệnh nhân nên ăn. Không ăn hoặc rất hạn chế ăn chất béo từ động vật như lợn, chó, gà, vịt... Tránh ăn nước béo trong nước dùng phở, bún; tránh ăn da gà, vịt.

Vitamin và khoáng chất

Trái cây và rau quả tươi chứa cả chất dinh dưỡng và chất xơ, rất cần thiết để giúp lành vết mổ. Ở những nơi có điều kiện, bệnh nhân nên dùng rau, củ quả tươi là tốt nhất, trường hợp không sẵn đồ tươi, có thể dùng các loại rau, quả tươi đông lạnh hoặc đóng hộp cũng tốt. Một tác dụng phụ của việc ăn nhiều trái cây và rau quả hơn bình thường là nhiều hơi trong đường tiêu hóa, khiến bệnh nhân phải trung tiện nhiều. Nếu lượng hơi nhiều đến mức bệnh nhân cảm thấy có áp lực dạ dày hoặc đau quặn bụng, khi đó cần giảm ăn trái cây và rau củ, đồng thời sử dụng thuốc giảm khí.

Vitamin C là một chất chống ôxy hóa, giúp nhanh lành vết mổ và nâng cao sức đề kháng, làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ. Những thực phẩm giàu vitamin C là cam, bưởi, chanh, rau ngót, dâu tây, kiwi, rau xanh các loại. Beta-caroten là chất có ở thức ăn, mà cơ thể sẽ biến thành vitamin A, rất quan trọng cho việc hình thành mô sẹo, làm nhanh lành vết thương. Các thực phẩm chứa nhiều beta-caroten mà bệnh nhân nên ăn là cà rốt, đu đủ, gấc, khoai lang, bí đỏ...

Cần ăn đủ chất đường và nhiều chất xơ

Chất đường nên ăn là các loại ngũ cốc, chế biến thông thường như cơm, cháo, xôi, chè đậu đen, đậu xanh, bánh mì... Hạn chế tối đa ăn đường kính, bánh kẹo ngọt vì dễ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm khuẩn vết mổ. Nên dùng ngũ cốc thô thay cho ngũ cốc tinh chế: chọn gạo lức, đậu còn nguyên hạt để nấu món ăn. Đối với ngũ cốc chế biến sẵn, khi mua cần kiểm tra nhãn để tránh dùng các loại ngũ cốc có nhiều đường hoặc chất xơ thấp.

Thức ăn chứa chất xơ không những lành mạnh hơn so với thức ăn không có chất xơ mà còn đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa bệnh táo bón, một biến chứng thường gặp sau phẫu thuật, nhất là phẫu thuật ổ bụng. Thức ăn chứa nhiều chất xơ là: bánh mì nâu và bánh mì đen làm từ ngũ cốc. Bánh mì trắng thường được tinh chế kỹ quá nên không cung cấp nhiều chất xơ. Trái cây: trái cây tươi là một nguồn cung cấp vitamin và chất xơ tuyệt vời cho bệnh nhân sau mổ. Rau củ quả cũng là nguồn chất xơ dồi dào, nhưng cần nấu chín mới ăn. Ngũ cốc: gạo, ngô, khoai, sắn, đậu đều có hàm lượng chất xơ cao.

Giải pháp cho bệnh nhân khó khăn ăn uống sau mổ

Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân gặp khó khăn ăn uống sau khi phẫu thuật. Nếu bị táo bón có thể gây ra thiếu cảm giác ngon miệng. Khi đó, bệnh nhân cần báo với bác sĩ phẫu thuật để được hướng dẫn cách làm giảm táo bón. Nếu bệnh nhân không táo bón mà vẫn gặp khó khăn vì không thèm ăn, nên dùng các thức ăn giàu calo như uống sinh tố có sữa và trái cây; ăn bột đậu trộn lẫn bột protein. Nghĩa là tuy bệnh nhân ăn ít, nhưng với thực phẩm giàu calo vẫn có thể cung cấp đủ calo cần thiết cho cơ thể.

Cách làm tăng calo trong khẩu phần ăn là: sử dụng kem nguyên chất thay vì kem đã tách chất béo. Dùng bơ nguyên chất, không dùng bơ ít calo. Dùng thức uống đầy đủ calo như nước trái cây, nước chanh, nước cam, nước ép trái cây... và uống bất cứ khi nào có thể uống. Ăn nhiều bữa, có thể là 6 - 7 bữa/ngày.

BS. Trần Văn Phong

Lạ miệng mì vằn thắn

Hà Nội có cái lợi thế là Thủ đô của cả nước, tinh hoa các nơi đổ về, món ngon khắp miền tụ họp, thậm chí có những thứ có nguồn gốc nước ngoài, lâu ngày cũng thành món quen thuộc của người Hà Nội. Với lịch sử gần trăm năm ở một vùng đất mới, mì vằn thắn đã có những thay đổi nhất định cho hợp với khẩu vị người Việt hoặc người Việt ăn mãi rồi thành quen.

Trong các trang miêu tả của các nhà văn tiền chiến, thế hệ những Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… người ta thường hay nhắc đến những gánh hàng vằn thắn của những chú khách. Đêm đông lạnh giá, mưa phùn bay bay, nghe những tiếng rao hàng xa lắc gợi một cảm giác thảng thốt nhớ mong. Ăn một bát vằn thắn vào lúc đêm muộn có cái dư vị là lạ của thời gian, không gian hòa trộn.

Giờ thì những gánh hàng rong bán đêm như thế không còn nữa, những hàng vằn thắn ở trong những cửa hiệu hẳn hoi, có chỗ sang trọng như một món ăn được tôn vinh xứng đáng, có chỗ dân dã, giản dị, không khác những hàng quà rong xưa là mấy.

mì vằn thắnMì vằn thắn - Món quen thuộc của của người dân Thủ đô.

Nhưng là món ăn nhập Việt, trước hết cũng cần biết vài ý niệm về hàng quà trước khi thưởng thức một bát vằn thắn ngon miệng ở phố xá Hà Nội hôm nay.

Sợi mì vằn thắn được làm bằng bột mì trộn với trứng gà, yêu cầu khắt khe là không được cho nước dính vào. Mì khi cán mỏng được thái nhỏ như sợi miến ta, cuộn mì vàng ruộm, sáng là đạt yêu cầu. Trước đây thì các nhà hàng tự làm, nay thì thứ mì này và các loại vỏ bánh khác rất dễ mua sẵn trên phố Lương Văn Can.

Thịt băm, gia vị bọc trong cái vỏ bột mì mỏng gọi là sủi cảo. Sủi cảo có thể luộc hoặc chiên. Nếu nhân sủi bằng tôm thì gọi là há cảo. Há cảo ăn giòn thuộc loại thượng hạng nhưng bây giờ rất ít hàng có há cảo, có lẽ vì tôm luôn đắt hơn thịt và làm cầu kì hơn.

Thứ thịt quay tẩm với các loại gia vị, rượu, mật ong người Hoa gọi là xá xíu, xá xíu sẽ được thái mỏng thả vào bát mì. Còn các nguyên liệu khác thì cơ bản giống món Việt, ta sẽ đi vào cụ thể khi điểm qua những hàng mì vằn thắn có tiếng ở đất Hà Nội.

Một hàng vằn thắn được nhiều người biết tiếng là hàng mì ở phố Đinh Liệt, rất gần với Hồ Gươm. Hàng mì này nhỏ, sạch sẽ, có biển hiệu sang trọng, bắt mắt, góp phần tôn vinh món ăn và được khá nhiều người ưa chuộng.

Bát mì của nhà hàng này có gần như đầy đủ các nguyên liệu mà một bát mì cần có. Một vắt mì ươm vàng, giòn dai. Mấy miếng gan thái mỏng, miếng bóng bì, cải cúc, hẹ. Sủi thì có cả sủi chiên và sủi luộc, nấm hương, một phần tư quả trứng…

Xin tạm dừng ở chỗ này đôi chút để so sánh mì vằn thắn với món phở của người Việt, dù sự so sánh khá khiên cưỡng nhưng vì cả hai đều là món nước, ăn nóng, đối chiếu cũng là một sự thú vị giữa món Hoa và món Việt.

Về màu sắc thì bát mì vằn thắn vượt trội hơn so với phở. Bát mì vằn thắn để yên lặng thì giống một bức tranh tĩnh vật nhiều màu sắc. Vắt mì vàng tươi, miếng sủi chiên vàng rộm, sủi luộc trong suốt, miếng gan tím thẫm, trứng luộc trắng ngọc, lá hẹ xanh và cái cùi tôm đỏ ửng như một điểm nhấn hấp dẫn.

Phở thì màu sắc đơn giản hơn, chỉ có màu trắng của mì, màu vàng của da gà hoặc hơi đỏ của thịt bò tái (tùy theo loại phở) và thêm vài cọng hành xanh. Nhưng nếu so về độ ngọt của nước dùng thì phở vượt hơn mì vằn thắn. Phở có vị ngọt đậm của xương ninh, mùi “đạm” nhiều hơn, mì vằn thắn vị ngọt không đậm bằng phở, không rõ mùi vị của xương ninh, độ riêu cua màu mỡ thì phở luôn vượt mì vằn thắn.

Thêm một đặc điểm khác biệt nữa, bát phở dùng hành, vằn thắn dùng hẹ nhưng vằn thắn còn có thêm rau, thông dụng nhất là rau cải chần. Cách ăn mì vằn thắn theo những người sành ăn thì không chan nước ngập hết để vắt mì nhô lên một chút thêm có độ dai giòn, còn phở thì cứ việc chan ngập. Bát phở thì nước dùng nóng rẫy vì còn phải làm chín miếng thịt bò, còn với mì vằn thắn, nếu nước nóng quá các sợi mì sẽ dính vào nhau và làm mất độ giòn.

Quay lại hàng mì phố Đinh Liệt, dù bát mì ở đây khá chuẩn nhưng lại thiếu một nguyên liệu quan trọng là con tôm nõn đỏ ửng nhưng dù thế, nó đã là hàng mì khá ưng ý và giống các hàng khác là không có há cảo.

Một hàng mì vằn thắn đậm chất phố cổ và đúng cái kiểu dân dã của ẩm thực đường phố Hà Nội là quán mì ở phố Hàng Chiếu, gần Ô Quan Chưởng. Hàng mì này bé tí, chật chội nhưng treo rất nhiều đèn lồng đỏ và dày đặc chữ Hán. Một điều khá thú vị là cô chủ hàng này thường mặc một bộ sường xám màu đỏ rất bắt mắt, cậu chủ mặc đồ trắng kiểu Hoa, hai cô cậu xuất hiện ở quán như một nét thú vị mà nhớ tới cái thời xa xưa nào đó.

Lạ miệng mì vằn thắnMỳ vằn thắn được nhiều người ưa chuộng.

Bát mì ở Hàng Chiếu cơ bản cũng giống bát mì ở Đinh Liệt nhưng nước dùng đậm hơn một chút. Mì Hàng Chiếu không có miếng gan luộc như bên Đinh Liệt nhưng bù lại hàng này có một con tôm nõn khá to, đỏ au. Những khi quán đông quá, khách ăn phải ngồi vỉa hè mà ngắm Ô Quan Chưởng ngay gần đó. Về giá cả thì mì Hàng Chiếu mềm hơn Đinh Liệt một chút.

Một hàng vằn thắn nữa mà tôi biết là hàng mì ở trong con ngõ trên phố Huỳnh Thúc Kháng. Hàng này, ngoài mì vằn thắn còn có phở chua nữa, phở chua sẽ nói ở một bài khác. Bát mì ở đây không quá đặc biệt dù mọi người cho rằng chủ hàng là Hoa kiều. Điều khác một chút là miếng sủi chiên nhà hàng không cho luôn vào bát mà để ra ngoài đĩa, vẻ bề ngoài thì giống một cái bánh gối nhỏ. Thêm một khác biệt nhỏ là miếng sủi cảo có mùi gia vị đậm hơn những hàng khác, dù vẫn không có tôm nõn và há cảo, tuy thế quán khá đông khách và có khi phải ngồi ngoài vỉa hè.

Nói thế nhưng tôi không thể đủ sức ăn hết những hàng mì vằn thắn ở Hà Nội được, có thể có những hàng ngon, ưng ý hơn và khẩu vị của mỗi người cũng khác, chẳng vì thế mà bảo là hàng mình ăn là ngon nhất được. Ừ, thì tạm bằng lòng thế đã.

Uông Triều

Ăn sáng sớm rất quan trọng với người bệnh tiểu đường týp II

Người tiểu đường không nên ăn sáng muộn

Béo phì là tình trạng phổ biến ở những người bị tiểu đường týp II. Thức khuya và dậy muộn có liên quan tới nguy cơ béo phì nhưng hiện tại đang có ít nghiên cứu liên quan tới hiện tượng này ở người bệnh tiểu đường týp II.

Các nhà nghiên cứu do Sirimon Reutrakul dẫn đầu muốn xác định xem thói quen thức khuya và dậy muộn ở những người bị tiểu đường týp II có liên quan đến tăng nguy cơ có BMI cao hơn hay không và nếu có yếu tố cụ thể nào về thói quen này tối góp phần làm tăng nguy cơ.

Reutrakul và cộng sự đã nghiên cứu 210 công nhân không phải làm ca sinh sống tại Thái Lan bị tiểu đường týp II.

Thói quen ngủ sớm, dậy sớm/thức khuya, dậy muộn được đánh giá sử dụng một bảng hỏi tập trung vào thời gian thức dậy và đi ngủ, thời điểm luyện tập trong ngày và thời điểm tham gia hoạt động tinh thần (đọc sách, làm việc vv…).

Những người tham gia được hỏi về thời gian ăn, lượng calo hấp thu hàng ngày được xác định qua báo cáo về thực phẩm sử dụng hàng ngày. Chỉ số cân nặng được đưa ra và BMI được tính cho mỗi người tham gia. Thời gian và chất lượng giấc ngủ được tính bằng cách tự báo cáo và trả lời bảng hỏi.

Thời gian ngủ trung bình tự báo cáo là 5,5 giờ/tối. Trung bình, những người tham gia sử dụng 1,103kcal/ngày. BMI trung bình ở những người tham gia là 28,4kg/m2 được coi là thừa cân. Trong số những người tham gia, 97 người có thói quen thức khuya, dậy muộn và 113 người có thói quen ngủ sớm, dậy sớm.

Những người tham gia có thói quen ngủ sớm dậy sớm sáng ăn bữa sáng từ 7 giờ sáng tới 8h30 sáng, trong khi những người có thói quen thức khuya, dậy muộn ăn bữa sáng lúc 7 giờ 30 sáng tới 9 giờ sáng.

Những người tham gia với thói quen ngủ sớm, dậy sớm có thời gian ăn sớm hơn, bao gồm bữa sáng, bữa trưa, bữa tối và bữa cuối cùng.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng có thói quen thức khuya, dậy muộn có liên quan tới BMI cao hơn. Hấp thu calo và thời gian ăn bữa trưa, bữa tối không liên quan tới BMI cao hơn.

Thói quen ngủ sớm, dậy sớm có liên quan với thời gian ăn sáng sớm hơn và giảm 0.37 kg/m2 BMI.

BS Thu Vân

(theo Univadis/THS)

Những thực phẩm nên và không nên ăn khi sử dụng kháng sinh

Bạn nên chú ý đến sức khỏe bản thân nhiều hơn khi đang sử dụng thuốc kháng sinh do các bệnh nhiễm trùng đang tấn công cơ thể và thuốc kháng sinh cũng có thể gây hại cho cơ thể.

Thuốc kháng sinh có thể giết chết vi khuẩn trong cơ thể. Nhưng những chất kháng sinh này không thể phân biệt được vi khuẩn có hại và vi khuẩn có lợi sống trong ruột, miệng và âm đạo.

Những người sử dụng kháng sinh đồng thời cũng đang tiêu diệt những vi khuẩn có lợi trong cơ thể. Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe khi sử dụng kháng sinh.

Những thực phẩm nên và không nên ăn khi sử dụng kháng sinh

Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý trong chế độ ăn trong quá trình sử dụng thuốc kháng sinh.

1.Tránh các chất gây dị ứng và đường

Gluten, các sản phẩm từ sữa và đường là những thực phẩm phải tránh khi dùng kháng sinh. Đây là những chất gây dị ứng thông thường. Tránh những loại thực phẩm này sẽ giúp ngăn ngừa chứng viêm hoặc các bệnh tiềm ẩn.

2. Ăn nhiều thực phẩm chứa prebiotic

Bạn cần ăn nhiều thực phẩm lành mạnh khi đang dùng kháng sinh, đặc biệt là thực phẩm chứa chất prebiotic như sữa chua, kefir, súp miso, kimchi, kombucha và bắp cải.

3. Nên ăn thực phẩm chứa prebiotic khi nào?

Hầu hết các bác sĩ đều yêu cầu bạn uống thuốc kháng sinh từ 1-4 lần một ngày. Thuốc kháng sinh có thể giết chết vi khuẩn, do đó không nên dùng cùng lúc các thực phẩm chứa Prebiotic.

4. Kiểm soát căng thẳng

Bạn thường gặp căng thẳng khi bị bệnh, uống thuốc kháng sinh làm bạn càng thấy tồi tệ hơn. Căng thẳng có thể cản trở việc tái phân bố lại vi khuẩn trong ruột. Vì vậy, bạn phải bỏ những thói quen làm tăng mức cortisol như hút thuốc lá, uống rượu, ăn các loại thực phẩm gây dị ứng.

BS.Tuyết Mai

(theo Univadis/Boldsky)

Một số thực phẩm và món ăn có ích cho người bị bệnh thủy đậu

Cháo đậu xanh, món ăn thanh nhiệt, giải độc cho người bị bệnh thủy đậu

Cháo đậu xanh, món ăn thanh nhiệt, giải độc cho người bị bệnh thủy đậu

Cách chăm sóc bệnh nhân thủy đậu:

- Bệnh diễn biến khoảng 7 - 10 ngày, nếu không có nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn da và các biến chứng khác, thường có thể tự khỏi một cách tự nhiên.

- Dùng thuốc hạ nhiệt khi trẻ sốt, cho ăn uống đủ chất. Cho trẻ ăn nhiều bữa, thức ăn lỏng, tăng thành phần dinh dưỡng, để tăng cường sức đề kháng, hạn chế biến chứng. Cho bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường, hạn chế tiếp xúc và đi lại.

- Nếu thấy nốt phỏng có dạng nước đục, tức là có bội nhiễm vi khuẩn, hoặc thấy trẻ ho, sốt tăng trở lại, người mệt mỏi, đau đầu, nôn... có thể trẻ đã bị một trong các biến chứng hay gặp như: viêm da, viêm phổi, viêm não - màng não, cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.

- Tiêm phòng vắc-xin thủy đậu là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Vắc-xin được tiêm lúc trẻ được một tuổi trở lên.

Bệnh thủy đậu là do virút Varicella Zoster gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào cuối đông đầu xuân, kéo dài sang hè.

Bệnh nhân thủy đậu có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, 24 - 48 giờ sau bắt đầu sốt. Đến ngày thứ 3, bắt đầu phát ban trên da, mới đầu là mụn rát đỏ, sau vài giờ, nốt nổi phỏng trên da.

Mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ. Mụn nước có kích thước từ l - 3mm, chứa dịch trong, ở những trường hợp nặng, mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi khuẩn, mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.

Biến chứng phổ biến nhất của bệnh là nhiễm trùng da có thể dẫn đến sẹo. Những vết sẹo này thường là sẹo lõm trên da, gây mất thẩm mỹ và thường lưu lại đến hết đời.

Thủy đậu rất dễ lây lan trong cộng đồng.

Nên tránh

Trong lúc bị bệnh, nên tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, tránh ăn thức ăn nóng và có tính bổ dưỡng quá. Tốt nhất nên dùng thức ăn thanh đạm, đầy đủ các chất dinh dưỡng và dưới dạng thức ăn lỏng hoặc nửa lỏng, dễ tiêu hóa, như cháo đậu xanh, cháo củ năng-ý dĩ, cháo củ năng - lá tre non, cháo gạo lứt, cháo kim ngân hoa, cháo tiểu mạch, cháo miến đậu xanh, măng tây, trứng, chuối, đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen, khoai tây, cà rốt, củ cải trắng, bí đao, rau bồ ngót, rau sam, rau má, mướp đắng, rau dền, cải thảo, cải bắp, rau diếp, ngải cứu.

Người bệnh thủy đậu nên ăn bí đao, mướp đắng, đậu xanh, đậu đen, khoai tay, cải bắp, ngải cứu,...

Người bệnh thủy đậu nên ăn bí đao, mướp đắng, khoai tây, cải bắp, ngải cứu,...

Gạo lứt, đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen rất tốt cho người bệnh thủy đậu

Gạo lứt, đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen rất tốt cho người bệnh thủy đậu

Những người đang bị bệnh thủy đậu nên tránh ăn các loại gia vị cay nóng như: gừng, hành, tỏi, hành tây, tỏi tây, ớt, hạt tiêu, thì là, cà ri, mù tạt, rau mùi, các loại thịt như thịt dê, thịt chó, thịt gà, thịt ngan, ngỗng, lươn, các loại hải sản (tôm, cua, sò, ốc…), trái vải, long nhãn, mận, xoài chín, mít, hồng, anh đào, rau muống, các chất nhiều béo như hạt dẻ, đậu phụng rang, hạt dưa rang, đậu chiên, các loại bánh rán, các thức ăn chiên xào, mỡ động vật…

Kỵ nhất là nhục quế, vì nhục quế có tính đại nhiệt, thuần dương, tác dụng ôn nhiệt trợ hỏa, quá khô táo, làm tổn hại âm chất, rất nguy hiểm cho bệnh nhân thủy đậu.

Nên làm

Dùng thực phẩm chứa nhiều vitamin C như: chanh, cam, bơ, dâu tây, kiwi, lê, dưa hấu, dưa leo, cà chua...

Vitamin C có tác dụng giúp tăng cường sức đề kháng, chống nhiễm trùng, đẩy nhanh quá trình sản sinh ra collagen, phòng ngừa sẹo lõm.

Thực phẩm giàu vitamin C tăng cường đề kháng, chống nhiễm trùng

Sau khi lành bệnh, các vết thương bắt đầu khô miệng và lên da non, nên sử dụng nghệ tươi ngay lúc này để trị sẹo lõm sau thủy đậu.

Cách làm: rửa sạch củ nghệ, cạo nhẹ lớp vỏ bên ngoài để phần nước từ bên trong được tiết ra. Thoa nước này đều xung quanh vùng sẹo mỗi ngày một lần trước khi đi ngủ, để qua đêm và rửa sạch vào sáng hôm sau, rồi sau đó tiếp tục bôi lên một lớp khác.

Một số món ăn có ích cho người bị bệnh thủy đậu

Nước tam đậu, cam thảo:

Đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, mỗi thứ 100g, cam thảo bắc 2g.

Nấu với 1 lít nước, sắc còn 500ml, chia 2 - 3 lần cho trẻ uống trong ngày.

Các món canh ngon từ rau ngót và thịt heo.

Canh thanh nhiệt:

Đậu xanh, củ năng, rễ tranh, đọt tre non, cà rốt, mỗi thứ 20 - 30g. Nấu với 1 lít nước, sắc còn 650ml, chia 2 lần cho trẻ uống trong ngày (nếu trẻ bị suyễn, ho, thì không dùng củ năng và cà rốt).

Món canh này có tác dụng tư nhuận, hạ hỏa, rất có ích cho người bị thủy đậu, sốt cao, người nóng bứt rứt.

Kim ngân hoa

Kim ngân hoa

Nước kim ngân hoa:

Kim ngân hoa 10g, nước mía 20ml. Nấu với 500ml nước, sôi khoảng 10 phút. Ngày uống một lần, uống liên tục 7 - 10 ngày, để giúp sơ phong thanh nhiệt, hạ sốt.

Cháo đậu đỏ, ý dĩ:

Ý dĩ nhân 20g, đậu đỏ 30g, thổ phục linh 30g, gạo tẻ 100g.

Tất cả rửa sạch, nấu với lương nước thích hợp thành cháo. Chia ăn 3 lần trong ngày, với ít đường cát trắng hoặc đường phèn.

Món cháo này có tác dụng giải độc trừ thấp, đặc biệt thích hợp cho thủy đậu đã được ra, nhưng vẫn còn sốt, nước tiểu vàng đỏ, người mệt mỏi, chán ăn.

Cháo đậu, thịt heo:

Gạo tẻ 80g, đậu đỏ 30, đậu xanh 30g, thịt heo băm nhỏ 50g. Tất cả nấu với lượng nước thích hợp thành cháo nhừ. Dùng ăn vào lúc đói bụng.

Món cháo này dễ tiêu, rất tốt cho người bệnh thủy đậu, có sốt nhẹ.

Nước rau sam:

Khi bị thủy đậu, có thể dùng rau sam tươi 100 - 120g, rửa thật sạch, ép lấy nước, uống trong ngày.

Nước rau sam có tác dụng giải nhiệt, kháng viêm, ngừa mụn nhọt, rất tốt cho người bị thủy đậu.

Lương y ĐINH CÔNG BẢY

(SKĐS cuối tuần)

Ăn các loại hạt giúp giảm nguy cơ nhịp tim bất thường

ăn hạt giảm nguy cơ nhịp tim bất thường

Mức độ sử dụng hạt thường xuyên này cũng có thể làm giảm nguy cơ suy tim mặc dù các kêt quả còn chưa nhất quán.

Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng ăn hạt thường xuyên có liên quan tới nguy cơ bệnh tim/đột quỵ và nguy cơ tử vong thấp hơn nhưng không làm rõ loại bệnh tim mạch nào có liên quan tới việc sử dụng hạt.

Để nghiên cứu sâu hơn điều này, các nhà nghiên cứu đã lấy thông tin dựa trên một bảng hỏi về tần suất sử dụng thực phẩm và thông tin lối sống từ hơn 61.000 người Thụy Điển từ 45-83 tuổi.

Sức khỏe tim mạch của họ được theo dõi trong 17 năm sau đó (tới cuối năm 2014) hoặc cho tới khi chết.

Những người ăn hạt có xu hướng được giáo dục tốt hơn và có lối sống lành mạnh hơn so với những người không bổ sung hạt vào chế độ ăn. Họ cũng ít hút thuốc hơn ít có tiền sử bị huyết áp cao. Họ gầy hơn, hoạt động thể chất tích cực hơn, uống nhiều rượu và ăn nhiều hoa quả và rau xanh.

Sử dụng các loại hạt có liên quan tới giảm nguy cơ đau tim, suy tim, rung nhĩ và phình động mạch chủ bụng sau khi tính đến các yếu tố độ tuổi và giới tính.

Nhưng khi một số yếu tố nguy cơ có khả năng ảnh hưởng được tính đến bao gồm lối sống, chế độ ăn, bệnh tiểu đường và tiền sử gia đình, chỉ các mối liên quan với rung nhĩ và với suy tim được làm rõ.

Chế độ ăn càng bao gồm nhiều các loại hạt, nguy cơ mắc rung nhĩ càng thấp.

Ăn một khẩu phần hạt 1 tới 3 lần mỗi tháng có liên quan tới giảm 3% nguy cơ và tăng tới 12% khi ăn 1 tới 2 lần mỗi tuần và tới 18% khi ăn từ trên 3 lần mỗi tuần.

Những phát hiện về suy tim là ít nhất quán: sử dụng hạt mức độ trung bình nhưng không cao có liên quan tới nguy cơ thấp hơn 20%.

Tăng mỗi khẩu phần hạt ăn trong tuần liên quan tới giảm 4% nguy cơ rung nhĩ.

BS Thu Vân

(theo Univadis/THS)

Dinh dưỡng và hoạt động thể chất cho bệnh nhân ung thư

Nói chung, các bệnh nhân ung thư có 3 thời kỳ: (1) điều trị tích cực và hồi phục sau điều trị, (2) sống sau hồi phục, bao gồm không bệnh và bệnh ổn định, (3) bệnh tiến triển và cuối đời. Mỗi thời kỳ có nhu cầu và đòi hỏi khác nhau về dinh dưỡng và hoạt động thể chất. Nhu cầu dinh dưỡng thay đổi theo quá trình diễn biến của bệnh nhân ung thư. Chọn lựa lối sống có tầm quan trọng đặc biệt giúp cho thành công trong điều trị toàn diện và tìm kiếm phương cách cho bệnh nhân tự chăm sóc để cải thiện kết quả về lâu dài.

Thời kỳ điều trị tích cực và hồi phục sau điều trị

1. Dinh dưỡng trong thời kỳ điều trị ung thư và hồi phục

Khi ở giai đoạn trễ, bệnh nhân thường đã bị sụt cân và suy kiệt. Ngoài ra, khi điều trị ung thư, nôn ói cũng gây sụt cân thêm. Do đặc điểm này, ung thư được xem như là bệnh đi kèm với sụt cân hơn là béo phì. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm và điều trị hiệu quả hơn. Do đó, có tăng số lượng bệnh nhân ung thư dư cân hoặc béo phì, tăng cân thêm là một biến chứng có thể có của điều trị.

Dinh dưỡng và hoạt động thể chất cho bệnh nhân ung thưChế độ dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng với người bệnh ung thư

Cân nặng thay đổi không những chịu ảnh hưởng nhiều vào loại ung thư và giai đoạn lúc chẩn đoán, mà còn do những thay đổi đáng kể về chuyển hóa và sinh lý, làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng và vi chất. Các triệu chứng như chán ăn, ăn mau no, những thay đổi mùi vị, rối loạn tiêu hóa do ung thư gây ra hoặc do tác dụng phụ của điều trị dẫn đến ăn uống không đủ và suy dinh dưỡng. Sụt cân đáng kể và dinh dưỡng kém có thể xảy ra sớm trong quá trình diễn tiến ở một số loại ung thư. Do đó, cung cấp đủ năng lượng để ngừa sụt cân thêm là hết sức cần thiết cho những bệnh nhân suy dinh dưỡng và cho những bệnh nhân mà điều trị gây ảnh hưởng lên đường tiêu hóa.

Đưa ra những lời khuyên dinh dưỡng theo từng cá nhân có thể cải thiện chế độ ăn uống và giảm đi một số độc tính do điều trị ung thư gây ra

Các mô thức chính trong điều trị ung thư như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị đều ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu dinh dưỡng, thay đổi thói quen ăn uống, gây cản trở tiêu hóa, hấp thu và sử dụng thực phẩm. Đánh giá dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư nên bắt đầu sớm ngay sau chẩn đoán và đánh giá cùng với các mục đích điều trị (chữa lành, kiểm soát hay giảm nhẹ), tập trung vào tình trạng dinh dưỡng hiện tại và các triệu chứng liên quan đến dinh dưỡng.

Trong lúc điều trị ung thư, mục đích chăm sóc dinh dưỡng nên ngừa hoặc giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, duy trì cân nặng thích hợp, bảo tồn khối lượng cơ thể không tính mỡ, giảm thiểu tác dụng phụ ảnh hưởng đến dinh dưỡng và tăng tối đa chất lượng sống. Các nghiên cứu xác định nếu có tư vấn dinh dưỡng trong điều trị ung thư sẽ cải thiện được kết quả điều trị cũng như tác dụng phụ ít hơn, cải thiện chất lượng sống và chế độ ăn. Nên tư vấn chuyên gia dinh dưỡng ung thư.

Đưa ra những lời khuyên dinh dưỡng theo từng cá nhân có thể cải thiện chế độ ăn uống và giảm đi một số độc tính do điều trị ung thư gây ra. Tùy theo tình trạng bệnh nhân mà có những lời khuyên dinh dưỡng theo từng cá nhân như sau:

- Đối với những bệnh nhân chán ăn, ăn mau no, có nguy cơ sụt cân: ăn mỗi bữa lượng nhỏ, uống ít nước hay ít canh giúp tăng hấp thu thức ăn. Giữa các bữa ăn nên uống nhiều nước để bù lại tránh mất nước.

- Đối với những bệnh nhân không đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng qua thực phẩm hằng ngày, cần được tăng cường bằng thức uống hoặc thức ăn giàu dinh dưỡng chế biến sẵn trên thị trường hoặc tại nhà, có thể cải thiện nhu cầu cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng.

- Đối với những bệnh nhân không đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng bằng các biện pháp trên và có nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh nhân cần các biện pháp hỗ trợ dinh dưỡng khác như thuốc kích thích thèm ăn, nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa bằng ống thông hoặc nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.

Sử dụng vitamin, chất khoáng và thực phẩm bổ sung trong điều trị ung thư vẫn còn tranh cãi. Chẳng hạn như, khi dùng thực phẩm bổ sung chứa folate hoặc thực phẩm tăng cường giàu folate có thể gây trở ngại cho bệnh nhân được hóa trị bằng kháng folate, như methotrexate. Nhiều thực phẩm bổ sung chứa các chất có nồng độ cao quá mức so với bình thường có trong thức ăn và quá mức nhu cầu được đề nghị.Với những bằng chứng bất lợi ngay cả khi dùng thực phẩm bổ sung lượng vừa ở bệnh nhân ung thư, nên nhiều chuyên gia ung thư liên tục đưa ra lời khuyên chống lại việc sử dụng thực phẩm bổ sung trong và sau điều trị, và đề nghị hạn chế sử dụng trong những trường hợp suy yếu cơ thể hoặc tăng cường sức khỏe. Lo ngại này do, về mặt lý thuyết, một số nhóm thực phẩm bổ sung với những chất chống oxy hóa, ngăn cản tác dụng tổn thương tế bào ung thư do oxy hóa của xạ trị hay hóa trị. Ngược lại, một số bác sĩ lâm sàng nhận thấy khả năng gây hại do các chất chống oxy hóa chỉ là giả thuyết nhưng có lợi là giúp bảo vệ tế bào bình thường khỏi bị tổn thương thêm do điều trị ung thư.

Với bằng chứng thuyết phục chống lại việc sử dụng thực phẩm bổ sung có chọn lọc ở một số bệnh nhân ung thư, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân có nhu cầu sử dụng hãy thận trọng. Nếu có ích lợi khi bổ sung, mỗi cá nhân đầu tiên nên đánh giá có thiếu dinh dưỡng không, tránh sử dụng quá mức 100% giá trị nhu cầu hằng ngày, và cân nhắc hạn chế sử dụng thực phẩm bổ sung trong điều trị hỗ trợ cho các bệnh lý mạn tính như loãng xương và một số bệnh lý khác.

2. Rèn luyện thể chất trong lúc điều trị ung thư

Trong lúc điều trị ung thư, rèn luyện thể chất vẫn an toàn và dễ dàng giúp cải thiện chức năng các cơ quan trong cơ thể, giảm mệt mỏi và cải thiện chất lượng sống. Có một nghiên cứu cho thấy rèn luyện thể chất không ngăn cản đáp ứng hóa trị.

Quyết định khi nào bắt đầu và duy trì như thế nào tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và ưa thích của từng cá nhân. Rèn luyện thể chất trong lúc điều trị ung thư cải thiện nhiều tác dụng phụ sau điều trị lên xương và sức cơ.

Những bệnh nhân hóa trị và hoặc xạ trị đã có chương trình luyện tập rồi thì cần luyện tập ở cường độ thấp và ngắn trong lúc điều trị, mục đích chính là duy trì hoạt động thể chất càng nhiều càng tốt. Một số bác sĩ lâm sàng khuyên, đợi hết thời gian kéo dài tác dụng phụ hóa trị hãy bắt đầu luyện tập.

Đối với những bệnh nhân ít đi lại trước khi bị ung thư, hoạt động cường độ thấp như co duỗi tại chỗ, đi bộ chậm và chậm nhanh dần.

Đối với bệnh nhân di căn xương hoặc loãng xương, hay bị suy yếu như viêm khớp hoặc bệnh thần kinh ngoại biên, nên thận trọng giữ thăng bằng và an toàn, tránh té ngã và chấn thương. Cần các chuyên gia hỗ trợ trong các buổi tập.

Dinh dưỡng và hoạt động thể chất cho bệnh nhân ung thư

Nếu bệnh hoặc điều trị cần thời gian nghỉ ngơi tại giường, suy yếu, giảm sức cơ và teo cơ có thể xảy ra. Vật lý trị liệu giúp duy trì sức cơ, ngừa giới hạn cử động, xóa tan mệt mỏi và trầm cảm.

3. Thời kỳ hồi phục sau điều trị

Sau khi kết thúc điều trị ung thư, tiếp theo là thời kỳ hồi phục. Trong thời kỳ này, các triệu chứng và các tác dụng phụ ảnh hưởng đến dinh dưỡng và hoạt động thể chất bắt đầu được giải quyết. Đa số các tác bệnh nhân bị tác dụng phụ cấp tính sẽ hồi phục trong vài tuần hoặc vài tháng sau kết thúc điều trị, một số trường hợp kéo dài lâu hơn. Ngoài ra, các tác dụng phụ muộn hoặc tiềm ẩn có thể xuất hiện sau nhiều tháng hoặc nhiều năm sau điều trị. Tác dụng phụ kéo dài hoặc biến chứng do điều trị liên quan đến tình trạng dinh dưỡng là mệt mỏi, bệnh thần kinh ngoại biên, thay đổi vị giác, khó nhai, khó nuốt hoặc khó hồi phục cân nặng cơ thể, thay đổi thói quen ruột như tiêu chảy hoặc táo bón.

Bệnh nhân cần được tiếp tục đánh giá và hướng dẫn về dinh dưỡng trong thời kỳ này. Đối với những bệnh nhân xuất hiện sụt cân do điều trị hoặc có những trở ngại về tình trạng dinh dưỡng thì tiếp tục chăm sóc nâng đỡ, điều trị giảm triệu chứng và kích thích thèm ăn, giúp cho quá trình hồi phục. Sau điều trị, chương trình rèn luyện thể chất đều đặn là cần thiết để hỗ trợ cho quá trình hồi phục và cải thiện thể lực.

(Còn tiếp)

BS.CKII. NGUYỄN HỮU HÒA

(Theo Hội ung thư Mỹ (American)

Những loại nước uống `đánh bay` nắng nóng mùa hè

Nuoc-uong-danh-bay-nang-nong-mua-he

1. Nước mía

Theo quan niệm của đông y, nước mía giúp giải nhiệt và thải độc rất tốt. Nước mía có thể dùng để chữa các bệnh đường hô hấp, sốt cao, bụng trướng đầy.

Để chữa suy nhược cơ thể, ăn uống kém, ngủ ít, bạn có thể dùng bài thuốc từ nước mía như sau: nước mía 300ml, trứng gà tươi 2 quả. Nước mía đun sôi, đập trứng vào để nhỏ lửa 3 phút, nhắc xuống. Ăn nóng.

Để làm đẹp da và tóc: nước rau má 100ml, nước dừa 50ml, nước mía 50ml. Hòa đều có thể thêm mật ong, sữa ong chúa. Uống đều.

2. Nước râu ngô

Nước râu ngô có chứa nhiều vitamin, giúp thanh nhiệt, trị mụn nhọt. Để giảm cân hay hạ cholesterol máu, uống nước râu ngô rất tốt.

3. Mướp đắng

Mướp đắng (hay khổ qua) có công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, chống say nắng, sáng mắt, nhất là khi bị kiết lỵ do nóng. Mướp đắng mắt to sẽ ít đắng hơn mướp đắng đèo. Ngoài ra, trong điều kiện trời nóng, những người dễ bị ra mồ hôi hay bị nổi rôm sảy, ngứa, nấu nước khổ qua tắm một lần mỗi ngày làm giảm ngứa rõ rệt.

4. Sinh tố hoa quả

Mùa hè cũng là mùa các loại hoa quả nhiệt đới lên ngôi. Một ly sinh tố mỗi ngày sẽ giúp cung cấp đủ vitamin, khoáng chất, giúp bạn đẹp da đẹp tóc. Bạn có thể uống nước dừa, nước chanh, nước cam, sinh tố đu đủ, sinh tố xoài hay sinh tố dứa,... để đánh bay nắng nóng và cung cấp dưỡng chất cho cơ thể từ bên trong.

Ngoài ra, atiso, sắn dây, hay rau má cũng giúp giải nhiệt, làm mát cơ thể một cách hữu hiệu.

LiLy

7 loại rau giúp bạn giảm béo hiệu quả

Quả dưa chuột

Từ quan điểm dinh dưỡng, dưa chuột chứa rất nhiều vitamin và chất chống oxy hoá, đặc biệt nếu bạn ăn cả vỏ. Tuy nhiên, dưa chuột không chứa nhiều chất xơ giống nhiều loại rau hay trái cây khác nên nó ít có cơ hội khiến bạn tăng cân mà ngược lại còn giúp bạn tránh khỏi béo phì một cách hiệu quả và tự nhiên.

Măng tây

Những thân cây xanh này có chứa hương vị tuyệt vời và asparagine, một axit amin hoạt động như một chất lợi tiểu tự nhiên, giúp cơ thể mất đi lượng nước dư thừa nên cũng giúp bạn giảm cân. Nhưng bạn cần chú ý, không nên ăn nhiều măng tây một lúc vì nó có thể gây ra hiện tượng đầy bụng.

Quả bơ

Quả bơ chứa nhiều kali, giúp điều hòa cân bằng nước và điện giải, có thể kích thích trao đổi chất, giúp xử lý chất thừa trong cơ thể. Thêm vào đó, bơ chứa nhiều chất béo lành mạnh giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng khác một cách tối đa.

Quả bí

Nhiều loại rau chứa FODMAPs, một nhóm các loại đường nhất định và carbohydrate có thể gây ra đau bụng, đầy hơi ở những người có các chứng bệnh dạ dày như hội chứng ruột kích thích (IBS). Quả bí có nhiều trong mùa hè thường có lượng FODMAPs thấp và là một lựa chọn tốt cho những người đang cố gắng để cắt giảm trọng lượng.

Rau lá xanh

Rau cải và các loại rau lá xanh có hàm lượng vitamin B cao, giúp giảm sự giữ nước. Xà lách là một trong những loại rau lá xanh đậm được nhiều người yêu thích do mùi vị dễ chịu, dễ chế biến cùng món ăn hoặc làm salad.

Dưa cải bắp

Để tăng cường các probiotics (vi khuẩn sống) thân thiện với ruột, hãy thử một số loại rau lên men, như bắp cải muối. Nếu bạn lo sợ loại rau này gây ra các vấn đề về tiêu hóa thì bạn cần đảm bảo mua chúng ở nơi an toàn vệ sinh và bảo quản trong tủ lạnh với thời gian hợp lý.

Cà chua

Cà chua giàu chất chống oxy hoá và là loại rau dễ chế biến nhất, có thể dùng cùng với nhiều thực phẩm khác nhau, đặc biệt với món salad hoặc nước sốt. Cà chua cũng được ghi vào danh sách những loại rau ít có khả năng khiến bạn tăng cân mà hoàn toàn ngược lại để bạn yên tâm ăn chúng và vẫn giữ được vóc dáng thon thả.

Ngoài những loại rau này, bạn có thể thử nhiều loại rau khác vì với cơ địa mỗi người khác nhau thì rất khó để khẳng định một loại rau tốt cho tất cả mọi người. Thực tế cho thấy, có những người ăn loại rau này bị đầy bụng nhưng người khác lại không.

Lê Thu Lương

(Theo Prevention)